Bệnh trĩ nội: Triệu chứng nhận biết bệnh trĩ nội - Bệnh trĩ thường gây phiền toái đến sinh hoạt, lao động và tâm lý e ngại đối với bệnh nhân. Trong đó, bệnh trĩ nội cũng rất hay gặp ở mọi lứa tuổi. Nhận biết bệnh trĩ nội có dễ dàng không?
Bệnh trĩ nội khác bệnh trĩ ngoại ở điểm nào ?
Bệnh trĩ được chia làm hai nhóm chính: trĩ nội và trĩ ngoại. Niêm mạc ống hậu môn được chia làm hai vùng khác nhau dọc theo chiều dài của ống bằng một đường gọi là đường lược.
Nếu các xoang tĩnh mạch trĩ trên (trực tràng trên) phồng to, trĩ được hình thành ở trên đường lược và được gọi là trĩ nội. Nếu các xoang tĩnh mạch trĩ dưới (trực tràng dưới) phồng to, trĩ được hình thành ở dưới đường lược và được gọi là trĩ ngoại.
Do có sự thông nối giữa hệ tĩnh mạch trĩ trên và hệ tĩnh mạch trĩ dưới, sự tăng áp lực ở xoang tĩnh mạch trĩ trên tất yếu sẽ dẫn đến sự tăng áp lực ở xoang tĩnh mạch trĩ dưới.
Triệu chứng điển hình
Trĩ nội giai đoạn đầu chủ yếu biểu hiện bởi đại tiện ra máu, lượng máu khá nhiều, có lúc ra nhỏ giọt, có lúc ra thành tia máu, không đau và không thấy khó chịu. Lâu ngày có thể gây thiếu máu, cảm thấy choáng váng, hơi thở ngắn, đuối sức.
Giai đoạn giữa, sau khi đại tiện có thể thấy mấu trĩ sa xuống hậu môn, thường thì có thể tự co vào hậu môn sau khi đại tiện xong.
Giai đoạn cuối, sau khi đại tiện xong mấu trĩ không thể quay lại hậu môn mà phải lấy tay đẩy vào hoặc phải nghỉ ngơi xong rồi mới có thể đi vào. Người bị nặng thì khi ho, khi dùng sức, làm việc hoặc lao động đều có thể làm cho mấu trĩ sa ra ngoài hậu môn, thường cảm thấy hậu môn ướt, khó chịu do các chất thải tăng lên, quần lót nhiễm khuẩn.
Phòng ngừa bệnh trĩ nội
Trong việc điều trị bệnh trĩ, ngoài dùng thuốc, thắt dây thun, phẫu thuật… người bệnh cần đặc biệt chú ý tới chế độ ăn uống chống táo bón. Nghĩa là, cần uống nhiều nước, vì nước làm mềm phân, giúp việc đi cầu dễ dàng hơn.
Cần tăng cường chất xơ trong thức ăn vì chất xơ tham gia trữ nước đáng kể trong ruột, làm phân mềm ra nên dễ dàng khi di chuyển. Các loại rau quả, ngũ cốc như đậu trắng, ngũ cốc xay, cà rốt, chuối măng, quả mơ, súp lơ, cam, dâu tây… rất giàu chất xơ.
Cùng với đó, người bệnh nên bổ sung các thực phẩm - thuốc có công dụng trị bệnh trĩ như rau diếp cá (ăn sống hoặc sắc nước uống), hoa hòe (hãm trà uống mỗi ngày), khoai lang luộc; các món ăn từ mướp (cung cấp chất nhầy). Người mắc bệnh trĩ phải cương quyết nói “không” với trà, cà phê, thuốc lá, rượu và gia vị cay nóng, vì các chất này làm bệnh nặng thêm.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét